Logo quả táo phát sáng sắp trở lại trên MacBook

Bởi [email protected] 03/11/2022

1477

Chia sẻ

Apple đang cân nhắc việc mang logo Apple phát sáng ở mặt lưng quay trở lại các dòng MacBook sắp tới.

Quả táo phát sáng được xem là biểu tượng trên dòng MacBook. Ảnh: iMore.

Ra mắt từ năm 2006, MacBook là dòng laptop thành công của Apple và từng được người dùng nhận biết bằng logo trái táo phát sáng ở mặt trên của thiết bị. Nhưng đến năm 2015, Táo khuyết bất ngờ tuyên bố khai tử chi tiết này.

Tuy nhiên, theo MacRumors, bằng sáng chế vừa được công bố gần đây của Apple đã nhắc đến “một số thiết bị điện tử sẽ có cấu trúc một nửa làm từ kính ở mặt lưng”. Tuy nhiên, bằng sáng chế này không đưa ra mô tả cụ thể về thiết bị sẽ sử dụng công nghệ này.

Trong tài liệu, Apple cho biết thiết bị điện tử đăng ký bằng sáng chế có thể là laptop hoặc các sản phẩm khác. Trong đó, logo xuất hiện phần vỏ ngoài sẽ được làm một phần từ gương phản chiếu cùng với đèn nền phía dưới. Phần mặt gương sẽ giúp logo nổi rõ, phát sáng và che đi phần linh kiện bên trong. Đồng thời, độ trong suốt của mặt kính cũng cho phép ánh sáng từ thiết bị phản chiếu qua tấm kính.

Nhưng điều đặc biệt là tài liệu đăng ký nói rõ phần logo xuất hiện trên mặt lưng sẽ có “hình dạng đại diện cho một thương hiệu”. Bản vẽ minh họa đính kèm cũng xuất hiện hai phần hình ảnh tách rời nhau, có thể là vị trí của quả táo và cuống lá giống hệt logo của Apple.

Phần thiết kế được cho là vỏ ngoài của MacBook sắp sửa có logo quả táo phát sáng huyền thoại. Ảnh: Patently Apple.

Bằng sáng chế về công nghệ này đã được Apple đăng ký từ tháng 5/2022 và vừa được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark Office) tiết lộ mới đây.

Theo Patently Apple, ba kỹ sư Apple nộp bằng sáng chế này chỉ mới gia nhập công ty từ năm 2018, tức là sau khi hãng công nghệ khai tử logo quả táo phát sáng trên MacBook. Do đó, rất có thể họ sẽ dùng phương pháp khác để đưa logo huyền thoại này trở lại với laptop Apple.

Chiếc máy tính Mac đầu tiên có phần logo Apple phát sáng là PowerBook G3 thế hệ thứ 3 được ra mắt vào năm 1999. Biểu tượng này đã trở thành một đặc trưng giúp dễ dàng nhận biết MacBook và đồng hành cùng dòng laptop này trong suốt 16 năm. Trong khoảng thời gian đó, thay đổi duy nhất của nó là lật ngược phần logo để cùng chiều người xem mỗi khi mở laptop.

Nhưng đến năm 2015, Apple đã loại bỏ lối thiết kế này để thay bằng logo phẳng trên MacBook 12 inch vào năm 2015. Từ khi đó, Táo khuyết không còn sử dụng chi tiết này trên MacBook Pro và MacBook Air ra mắt sau đó mà thay vào đó sử dụng logo mờ tương tự iPad. Việc loại bỏ chi tiết này sau hơn 15 năm gắn bó gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người dùng thiết bị Apple.

Những chiếc MacBook ra mắt từ 2015 đến nay đã không còn sử dụng logo quả táo phát sáng quen thuộc. Ảnh: Unsplash.

Song, theo Apple Explained, Apple có lý do loại bỏ logo phát sáng, đặc biệt là vì sự thay đổi trong thiết kế. Khi xuất hiện năm 2015, MacBook 12 inch là mẫu laptop mỏng nhất từng được Apple giới thiệu nhưng điều này cũng tạo ra 2 vấn đề lớn.

Đầu tiên, nếu có ánh sáng chiếu từ phía sau, người dùng sẽ thấy đốm sáng xuất hiện trên màn hình. Do logo phát sáng là hình cắt trong suốt, nó càng dễ khiến ánh sáng xuyên qua. Vì vậy, Apple phải thiết kế mặt ngoài của MacBook hoàn toàn kín để ngăn chặn tình trạng trên.

Ngoài ra, cắt một phần vỏ nắp làm logo phát sáng khiến bộ phận này dễ cong nếu có tác động mạnh. Do đó, một tấm kim loại nguyên vẹn sẽ bảo vệ màn hình MacBook tốt hơn, tránh bị cong hoặc gãy.

Theo Apple Explained, việc loại bỏ logo phát sáng cho thấy Táo khuyết đã không còn theo đuổi chiến lược tăng độ nhận diện thương hiệu, thay vào đó tập trung vào tính ổn định, trải nghiệm sử dụng của từng thiết bị. Điều này cũng giúp đồng bộ thiết kế của MacBook với iPhone hay iPad, những thiết bị chưa từng có chi tiết này.

Theo ZingNEWS

Đăng ký tư vấn Logo quả táo phát sáng sắp trở lại trên MacBook

Họ tên không được để trống!

Số điện thoại không được để trống!

Số điện thoại sai định dạng!

Địa chỉ không được để trống!

Tên sản phẩm hoặc Model máy không được để trống!