TOP 10 MÓN ĂN VẶT ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM TẠI NHÀ

Bởi eshop 27/07/2021

677

Chia sẻ

TOP 10 MÓN ĂN VẶT ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM TẠI NHÀ

Trong thời gian giãn cách nhiều cửa hàng không còn hoạt động nên để thỏa mãn cơn thèm đồ ăn vặt thì lăn vào bếp thôi! Dưới đây Eshops sẽ chia sẻ một số công thức làm đồ ăn vặt siêu xịn xò mà vô cùng đơn giản đó nha!

1. Khoai tây chiên bằng nồi chiên không dầu

Nguyên liệu cần có

  • Khoai tây: Khối lượng khoai tây cần chuẩn bị phụ thuộc vào nhu cầu của gia đình bạn. Khi mua khoai tây, bạn nên chọn những củ khoai nặng tay, vỏ bóng, màu vàng đều. Chúng ta không nên dùng khoai tây còn xanh vỏ hoặc đã mọc mầm vì chúng chứa chất độc gây hại cho sức khỏe.
  • Xốt chấm (tùy theo sở thích).

Sơ chế nguyên liệu

  • Khoai tây mua về đem gọt vỏ, rửa sạch, rồi cắt thành miếng dài 3 - 5cm, dày khoảng 1cm.
  • Ngâm khoai tây trong nước muối khoảng 30 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước.
  • Sau khi khoai tây đã khô, đem khoai tây để vào trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 - 20 phút. Việc cho khoai tây vào ngăn mát tủ lạnh sẽ giúp miếng khoai được giòn hơn khi chế biến.

 

Cách chiên khoai tây giòn bằng nồi chiên không dầu

  • Bước 1: Cho khoai tây đã sơ chế vào lòng nồi chiên không dầu, dàn đều. Lưu ý: Không nên chiên quá nhiều khoai cùng lúc vì có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của nồi, khiến khoai lâu chín hoặc không đạt đến độ vàng giòn như ý.
  • Bước 2: Đặt nhiệt độ cho nồi chiên khoảng 180 độ C, thời gian chiên khoảng 12 phút. Chúng ta không nên chiên khoai ở nhiệt độ quá lớn vì sẽ làm biến chất các vitamin, khoáng chất có trong khoai tây.
  • Bước 3: Sau khi nồi báo chiên xong, bạn đảo đều khoai một lượt rồi tiếp tục chiên lần 2 vẫn tại nhiệt độ 180 độ C, thời gian 12 phút.
  • Bước 4: Sau 2 lần chiên, khoai tây chiên rất giòn, có màu vàng đẹp mắt. Lúc này, bạn chỉ việc cho khoai ra đĩa và thưởng thức cùng với tương ớt hoặc một loại xốt tùy thích.

2. Nước ép trái cây nhiều vitamin cùng máy ép chậm

Nguyên liệu cần có:

Trái cây/ Rau củ: như ổi, dứa, táo, cà rốt, cần tây,.... rửa sạch, cắt nhỏ vừa miếng trước khi đưa vào ép.

 

Cách ép nước trái cây bằng máy ép chậm

Bỏ trái cây đã cắt nhỏ vào máy ép chậm và chuẩn bị một tâm hồn đẹp sử dụng côc nước ép chất lượng.

Lưu ý, máy ép chậm có ống đưa bã trái cây ra ngoài, và chúng ta có thể tận dụng bã trái cây làm phân bón!!

3. Chè Khúc Bạch

 

Nguyên liệu:

  • 250ml sữa tươi
  • 250ml kem sữa tươi (whipping cream)
  • 15g gelatin dạng bột
  • 150g đường phèn hoặc đường cát trắng
  • 2g bột trà xanh
  • Nước lọc
  • 20g hạnh nhân
  • Nhãn hoặc vải tùy thích
  • 6 lá dứa

Cách làm:

- Đem 15g bột gelatin hòa tan cùng 150ml sữa tươi, khuấy đều và để 15 phút cho bột nở.

- Làm thạch chè

Cho 100ml sữa tươi, whipping cream, 60g đường vào âu và khuấy tan. Sau đó, chia hỗn hợp ra 2 bát đều nhau để làm thạch trắng và thạch màu xanh.

- Làm thạch màu trắng

  • Cho 1 bát hỗn hợp sữa tươi và whipping cream vào nồi, hấp cách thủy với lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy hỗn hợp. Khi hỗn hợp nóng, tiếp tục cho ½ hỗn hợp sữa tươi gelatin (bước 1) vào, khuấy đều khoảng 10 phút để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
  • Đổ hỗn hợp thạch vừa được hấp cách thủy vào khuôn qua rây lọc để loại bỏ các vón cục giúp sữa được mịn hơn. Cất hỗn hợp này vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng và chờ đông.

- Làm thạch màu xanh

  • Hấp cách thủy bát hỗn hợp sữa và whipping cream còn lại, khi hỗn hợp nóng thì cho phần gelatin sữa tươi vào khuấy đều.
  • Hòa tan bột trà xanh với một ít nước, sau đó cho vào hỗn hợp sữa đang hấp, khuấy tan đều. Cho hỗn hợp vào khuôn qua rây lọc loại bỏ vón cục, cất vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng chờ đông.

- Nấu nước đường

  • Đun 1 lít nước với 90g đường phèn (hoặc đường cát trắng), khuấy nhẹ cho tan hết đường.
  • Lá dứa rửa sạch, cuộn lại, khi nước đường sôi thì thả vào và bắc nồi ra ngay.

- Làm long nhãn, vải

  • Nếu bạn dùng nhãn hoặc vải tươi, có thể rửa sạch và tách cùi, bỏ hạt. Cho cùi nhãn hoặc vải vào luộc với nồi nước đường để nước đường thơm hơn.
  • Nếu bạn dùng nhãn, vải hộp có sẵn, bạn chỉ cần lấy nhãn, vải ra. Phần nước cho thêm vào nồi nước đường để dậy mùi.

- Hoàn thành

  • Nguyên liệu đầy đủ cho một bát chè ngọt dịu, thơm ngon. Ảnh: Internet
  • Thạch sau khi đông lại lấy ra cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
  • Cho thạch, nhãn hoặc vải vào bát, chan nước đường, thêm vài viên đá lạnh và rắc ít hạnh nhân lên trên. Bạn có thể cho thêm hạt é, dâu tây, kiwi… để chè có nhiều màu sắc trông hấp dẫn hơn.
  • Vậy là đã hoàn thành xong món chè ngon với hương vị thanh mát, thạch dẻo, dai, nhãn, vải thơm nồng cùng nước đường ngọt dịu.

4. Bánh gạo lắc phomai

 

Nguyên liệu:

  • 200gr bánh gạo Hàn Quốc
  • 25gr bột phô mai
  • Dầu gạo/ dầu thực vật bất kì
  • Tương ớt để chấm

Cách làm:

Bước 1: Với những bạn không có thời gian để tự tay làm bánh gạo, thì vẫn hoàn toàn có thể yên tâm để thực hiện được món ăn này. Bằng cách mua bánh gạo bán sẵn tại siêu thị hoặc các cửa hàng làm bánh.

Bước 2: Thường bánh gạo sẽ được để trong ngăn lạnh bởi vậy, khi đem về các bạn cần chuẩn bị một nồi nước sôi và luộc bánh gạo trong vòng khoảng 5 phút. Tránh để lâu bánh gạo sẽ bị nát nhé.

Bước 3Sau đó, vớt ra cho vào một bát nước lạnh để làm nguội và vớt ra ngay để ráo.

Bước 5: Cho bánh gạo vào chảo sôi dầu và chiên đến khi hơi vàng thì vớt ra để ráo. Bạn có thể sử dụng giấy thấm dầu thức ăn để lót .

Bước 6: Tiếp đó, bạn cho phần bánh gạo đã ráo vào trong một cái bát, đổ bột phô mai vào và bọc kín bằng màng bọc. Sau đó lắc thật nhiều cho đến khi bột phô mai đã phủ kín và đều toàn bộ phần bánh gạo chiên.

5. Khoai lang kén

 

Nguyên liệu:

  • 1/2 kg khoai lang
  • 20 gram bột năng
  • 2 thìa đường cát
  • 1 ít nước cốt dừa
  • Bột chiên giòn

Cách làm:

Bước 1: Khoai luộc chín, bỏ vỏ tán nhuyễn cho thêm bột năng, nước cốt dừa, đường vào trộn đều thành khối mịn

Bước 2: Nặn khoai thành những miếng dài cỡ 3 - 5 cm như bán ngoài chợ. Sau đó lăn qua bột năng sao cho bột bám đều viên khoai

Bước 3: Pha bột chiên giòn với chút nước cho sền sệt

Bước 4: Đặt chảo dầu lên bếp cho đến khi dầu sôi thì nhúng từng viên khoai vào bột chiên giòn rồi cho vào chảo

Bước 5: Bao giờ khoai chuyển màu vàng ruộm thì vớt ra để vào đĩa đã trải sẵn giấy thấm dầu

6. Trà sữa

 

Nguyên liệu:

  • 1 chén hạt trân châu khô
  • 1/2 lít nước
  • 200 gram đường
  • 4 túi trà
  • 500 ml sữa

Cách làm:

Bước 1: Luộc trân châu trong nước khoảng 15 phút rồi tắt bếp, ngâm trong nồi 30 phút rồi vớt ra để ráo

Bước 2: Đun 1/2 lít nước cho sôi rồi cho túi trà vào đun trong 2 - 3 phút. Sau đó thêm sữa, đường vào khuấy đều rồi tắt bếp

Bước 3: Rót hỗn hợp sữa ra ly rồi cho trân châu tùy ý

7. Chân Gà sả ớt

Nguyên liệu:

  • 16 chân gà
  • 3 muỗng canh nước mắm
  • 4 - 5 nhánh sả
  • 5 - 6 trái ớt
  • 1 củ gừng
  • 3 muỗng cà phê đường
  • 6 thìa dấm
  • 1 muỗng cà phê hạt nêm
  • 1 muỗng muối hột

* Cách làm:

Bước 1: Chân gà rửa sạch bằng muối và gừng đập dập sau đó đem luộc 5 - 7 phút cùng 1 chút gia vị sau đó vớt chân gà ra chậu nước đá cho da giòn rồi vớt ra để ráo nước

Bước 2: Tiếp đó cho chân gà vào tủ lạnh 35 - 45 phút

Bước 3: Xả cắt khúc 3 - 4 cm tước sợi nhỏ, ớt và đầu sả thái mỏng

Bước 4: Đun sôi hỗn hợp 500ml nước lọc, đường trắng, dấm, hạt nêm rồi để nguội. Sau đó cho ớt, sả thái mỏng, nước mắm vào khuấy

Bước 5: Để chân gà, sả cắt khúc vào 1 âu lớn sau đó đổ hỗn hợp vừa đun để nguội ngâm sau 1 ngày là có thể dùng được

8. Bánh gối

Nguyên liệu:

- Phần vỏ bánh:

  • Bột mì đa dụng: 500gr; 1,5gr bột nở (không có có thể bỏ qua)
  • Sữa tươi: 220ml loại ít đường
  • Bơ: 50gr loại bơ mặn hoặc nhạt, nếu không có thay thế bằng 50ml dầu ăn
  • Muối: ½ thìa cà phê

- Phần nhân bánh:

  • 4-5 cái mộc nhĩ; 1/2 củ đậu hoặc Su hào; 1/2 củ hành tây; Hành tím.
  • Một nắm miến dong; Bột nêm, hạt tiêu;
  • 200gr thịt lợn xay; Trứng cút hoặc trứng gà

- Phần nước chấm:

  • 3 Nước mắm ăn, 2 thìa nước đun sôi để nguội
  • Đường 1 thìa, ½ thìa cà phê bột ngọt
  • Ớt băm, tỏi, nước cốt chanh.

Cách làm:

Bước làm vỏ bánh gối: Phần bơ cần đun chảy trước. Cho 220ml sữa tươi + men nở + 2 quả trứng gà + muối và bơ đã đun nóng trước vào âu rồi khuấy thật đều sau đó cho từ từ bột mì vào nhồi đến khi thành khối mịn dẻo rồi đậy kín cho bột nghỉ trong 30 phút, khi nhào bột nếu thấy bị khô quá bạn nên vẩy vài giọt nước.

Bước chuẩn bị phần nhân bánh:

  • Mộc nhĩ ngâm nước ấm khoảng 30 phút cho nở thái sợi nhỏ. Miến ngâm nước lạnh cho nở cắt nhỏ. Hành tây gọt vỏ thái nhỏ, kiểu hạt lựu. Su hào hoặc củ đậu bào sợi cắt nhỏ. Trứng cút hoặc trứng gà luộc chín, bỏ vỏ.
  • Phi thơm hành tím, cho 200gr thịt lợn xay và hành tây vào xào, các loại nhân khác vẫn giữ nguyên không xào chung để giữ độ ngọt.
  • Sau đó trộn đều thịt với các nguyên liệu khác: mộc nhĩ, miến, củ đậu hoặc su hào, thêm 1 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu.

Bước tạo hình vỏ bánh: Bột sau khi ủ 30 phút mang ra cán mỏng bằng cây cán bột, có thể dùng chai thay thế. Bột mì khô rắc một lớp mỏng xuống mặt bàn để chống dính, đổ bột ra và cán thật mỏng. Sau khi cán mỏng bột lấy một bát to hơn bát ăn cơm ấn xuống làm thành một khuôn hình tròn.

Bước làm bánh gối: Đập một quả trứng gà, chỉ lấy lòng đỏ ra bát, đánh tan và chuẩn bị sẵn chổi để quét. Sau khi làm xong vỏ bánh, thì xếp vỏ bánh ra, quét một lớp mỏng lòng đỏ trứng gà quanh mép vỏ bánh gối, cho phần nhân vào giữa, rồi đặt miếng trứng cút vào. Từ từ gấp mép bánh lại và tạo hình gập thành nếp.

Bước chiên bánh: Đổ dầu ra chảo hoặc nồi có đế dày, nhỏ để tiết kiệm dầu, đảm bảo chiên ngập bánh trong chảo dầu với lừa vừa. Bánh gối chiên làm 2 lần, lần 1 chiên cho tới khi bánh vừa chín, chưa vàng. Lần 2 thì ăn đến đâu chiên đến đấy để bánh được giòn.

Cách làm nước chấm bánh gối ngon: 3 thìa nước mắm + 2 thìa nước lọc đun sôi để nguội + 1 thìa đường + tỏi, ớt băm nhuyễn, trộn đều cho tan đường thêm một thìa nước cốt chanh hoặc dấm, trộn thêm su hào, cà rốt thái mỏng.

9. Bánh rán mặn

Nguyên liệu:

- Phần vỏ bánh: 500gr bột gạo nếp; 100gr bột gạo tẻ; 1-2 củ khoai tây; 40gr đường; 1 nhúm muối; 400ml nước ấm; 500ml dầu ăn để chiên bánh

- Phần nhân bánh: 300gr thịt nạc vai xay nhỏ; 2 củ cà rốt; 80gr hoặc 2 bó miến khô; 6 cái nấm mộc nhĩ; 40gr hành tây, 10ml dầu ăn; 2 thìa cà phê bột nêm

- Phần nước chấm chua ngọt: Đường, chanh, nước mắm, tỏi, ớt băm nhỏ

- Dưa góp:

  • Đu đủ, cà rốt, su hào
  • Dấm, đường

Cách làm:

Bước 1: Làm vỏ bánh

- Khoai tây luộc chín, lột vỏ nghiền mịn lấy khoảng 50gr. Trộn chung bột gạo nếp, bột gạo, đường, muối với nhau.

- Đổ từ từ nước ấm vào nhồi cho bột thành một khối dẻo, mịn không dính tay không được nhão quá, sau đó trộn khoai tây đã nghiền mịn vào.

- Để bột nghỉ khoảng 1 giờ cho bột ngậm đủ nước.

Bước 2: Làm nhân bánh

Tranh thủ lúc đang ủ bột, tiến hành làm nhân bánh.

- Thịt nạc vai băm nhuyễn hoặc xay nhỏ.

- Cà rốt gọt vỏ bào sợi nhỏ.

- Miến ngâm nước cho nở (nhưng không nên ngâm lâu quá để khi cho vào phần nhân bánh miến tiếp tục hút nước trong bánh), cắt nhỏ.

- Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch cắt nhỏ.

- Hành tây băm nhỏ.

- Trộn tất cả các nguyên liệu ở phần nhân với nhau, chia thành các nắm nhỏ (khoảng 12 phần, mỗi phần khoảng 25gr).

Bước 3: Cho nhân vào bánh

- Chia bột thành các phần, mỗi phần khoảng 50gr.

- Lấy từng viên bột, ấn dẹt cho phần nhân vào giữa, nặn thành hình oval hoặc hình tròn tùy ý. Tuy nhiên nặn hình ô van sẽ dễ ăn hơn.

- Làm lần lượt cho đến hết phần bột và nhân. Sau khi đã xong tiếp tục lấy màng bọc thực phẩm bọc lại và để bánh nghỉ thêm 1 giờ nữa.

Bước 4: Rán bánh

- Đun sôi dầu ăn trong chảo sâu lòng.

- Khi dầu sôi lăn tăn thì lần lượt thả từng viên bánh vào chiên cho đến khi vỏ bánh chín vàng giòn. Không nên thả bánh vào khi dầu sôi to quá sẽ bị bắn dầu.

- Lưu ý không để lửa quá to dẫn đến vỏ bánh chín mà bên trong bánh còn sống. Ngoài ra, cũng không nên cho quá nhiều bánh vào cùng một lúc, dẫn đến nhiệt độ trong nồi dầu bị giảm, bánh chín không đều và không có màu vàng đẹp.

- Khi thấy bánh chín vàng đều và nổi lên thì vớt ra để lên giấy thấm dầu.

Bước 5: Pha nước chấm bánh rán mặn

- Đường với nước cốt chanh khuấy đều trong một bát cho đường chanh tan vào nhau với tỉ lệ khoảng 15ml nước chanh và 25gr đường.

- Từ từ đổ lượng nước mắm vừa đủ vào, thấy vừa ăn thì dừng lại, thêm ớt, tỏi băm tuỳ khẩu vị.

Bước 6: Làm dưa góp

- Su hào, đu đủ, cà rốt thái miếng mỏng vừa ăn, ngâm qua với nước cho bớt nhựa rồi để ráo.

- Cho tất cả vào bát, thêm chút giấm, đường, trộn đều cho ngấm gia vị .

- Khi ăn, cho dưa góp vào bát nước chấm cho hấp dẫn.

10. Sữa chua dẻo

Nguyên liệu

Nguyên liệu để tự làm món ăn vặt tại nhà như sữa chua dẻo rất đơn giản. Bao gồm:

  • Sữa đặc: ½ hộp
  • Sữa tươi: 1 gói
  • Sữa chua lên men: 1 hộp
  • Thạch rau câu: 15-20g

Cách làm

- Bước 1:

Bạn đổ sữa tươi và sữa đặc vào nồi đun nhỏ lửa đến khi nhiệt độ đạt khoảng 50-60 độ. Các bạn nhớ chú ý không để sữa sôi nhé.

- Bước 2:

  • Đổ sữa chua men cái vào nồi sữa và khuấy đều đến khi sữa chua và sữa hòa quyện lại với nhau.
  • Ngâm thạch rau câu cho tan hết rồi cũng đổ vào hỗn hợp sữa vừa pha chế.

- Bước 3:

  • Sau đó bạn múc sữa vào các hộp hoặc các hũ đã chuẩn bị sẵn. Đóng nắp lại và cho vào ủ.
  • Các bạn ủ trong máy làm sữa chua từ 5-8 tiếng là được. Nếu bạn không có máy làm sữa chua có thể ủ trong nồi cơm điện bằng cách dùng nước ấm ở nhiệt độ 60-70 độ.
  • Ủ xong bạn bảo quản sữa chua dẻo vào tủ lạnh ăn dần.

 

 

 

Đăng ký tư vấn TOP 10 MÓN ĂN VẶT ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM TẠI NHÀ

Họ tên không được để trống!

Số điện thoại không được để trống!

Số điện thoại sai định dạng!

Địa chỉ không được để trống!

Tên sản phẩm hoặc Model máy không được để trống!